CHUYÊN ĐỀ: NHẬN DIỆN THÔNG TIN ĐỘC, XẤU TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong những năm gần đây, mạng xã hội dần trở thành thói quen giải trí và là một công cụ không thể thiếu với rất nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi, nhất là giới trẻ. Facebook, Youtube, Zingme, TwitterInstagram…là những mạng xã hội lớn của thế giới. Trong đó, Facebook đang trở thành mạng xã hội được ưa chuộng nhất Việt Nam, trở thành một ứng dụng có sức hấp dẫn và lan tỏa đến mức “đáng sợ” trong giới trẻ. Bên cạnh những lợi ích thì Facebook cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội.

– Facebook ảnh hưởng tiêu cực đối với công việc học tập

– Nguy cơ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu tăng cao

– Facebook làm giảm sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau

– Facebook gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Và đáng quan tâm hơn cả là những đối tượng xấu thường Lợi dụng Facebook để thực hiện chiến lược “Diễn biến hoàn bình”chống phá cách mạng, phát tán các thông tin xấu, thông tin không đúng sự thật gây rối loạn, mất đoàn kết, làm suy đồi về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận diện được những thông tin độc, xấu trên mạng xã hội?

Đầu tiên ta phải hiểu được thế nào là thông tin độc, xấu?

 Những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, ngoài ra, đó là những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như: chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…; xuyên tạc lịch sử dân tộc, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây, nhất là về văn hóa chính trị…. đó là nhũng thông tin độc xấu

– Những thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc:

Có rất nhiều thủ đoạn, sau đây, tôi đưa ra một số thủ đoạn

Thứ nhất: Mỗi đối tượng sử dụng một điện thoại smartphone, máy tính bảng… để quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp từ thực địa, tác động nhanh chóng và trực tiếp tới những người tham gia mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan truyền rộng khắp.

Thứ hai: Cắt ghép, giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân.

Thứ ba: Giả mạo lực lượng chức năng (quân đội, công an) trà trộn vào lực lượng tham gia biểu tình hoặc có những hành vi phản cảm để quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng internet, mạng xã hội.

Thứ tư: Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông, từ đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Thứ năm: Giả mạo tài khoản, xây dựng hàng loạt các mạng lưới tài khoản, trong đó có một số tài khoản chính thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một số nội dung, lĩnh vực nhất định và sử dụng hàng trăm tài khoản vệ tinh (thực chất là tài khoản ảo, có chung một chủ tài khoản) thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trong các nhóm diễn đàn phản động hoặc các trang mạng xã hội có lượng thành viên lớn.

Thứ sáu: sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc báo chí chính thống trong nước khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập, thông qua mới cho đăng tin, bài. Thậm chí, để bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính toán lợi ích của việc đưa tin, một số vấn đề cụ thể nào đó, có thể bị chậm trễ khi đưa tin. Lợi dụng “khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm

Thứ bảy: viết bài, thoạt đầu chúng đưa ra các thông tin mà chúng ta cứ tưởng có độ tin cậy, chính xác cao, phản ánh đúng thực tế xã hội đã và đang diễn ra,  nhưng thực tế chúng đã cài, đưa thêm vào đó những thông tin đó ở phía cuối bài viết gây tâm lý hoang mang, hoài ghi, chán nản, thất vọng của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Như vậy, bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là về vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”; kích động tư tưởng thực dụng, đầu độc bằng lối sống trụy lạc, làm mờ các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống; đưa tin sai sự thật, làm cho người sử dụng Internet có góc nhìn sai lệch về những gì đang diễn ra, từ đó tạo sự hoài nghi, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Có thể khẳng định rằng, hệ lụy của những mã độc ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với  thế hệ trẻ, nếu không nhân diện đúng những thông tin độc xấu, sẽ dễ bị lôi kéo, lợi dụng, làm phai nhạt lý tưởng, suy đồi đạo đức, lối sống thực dụng, tha hóa nhân cách, vi phạm pháp luật,….

Vì vậy, nhận diện đúng thông tin độc xấu và tránh xa nó là yêu cầu cần thiết đối với mỗi người khi sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, là đoàn viên, thanh niên.

Là ĐVTN, phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều.

Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Tích cực tham gia vạch trần, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những biểu hiện xào xáo thông tin, lưu truyền thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt…

Không nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động. Không tán phát, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh, video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối. Không tin, nghe, làm theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật

Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng, để có được “bộ lọc” tốt khi sử dụng mạng xã hội, qua đó có ý thức hơn trong việc bấm nút like, share hay thực hiện một comment trên mạng xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn Trường THPT Trần Quang Khải