Bài thi Viết về tấm gương nhà giáo
Lượt xem:
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK
TRƯỜNG THPT TRẦN QUANG KHẢI
BÀI DỰ THI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO
CÔ GIÁO LÊ THỊ THANH HÀ- HOA MAI CHIẾN THẮNG.
Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đi, đã sống, và đã gặp biết bao người. Có người để lại trong tôi sự ngưỡng vọng về tài năng, có người để lại trong tôi những bài học xương máu, có người để lại trong tôi tình yêu thương, sự kính trọng…họ như một dòng nước, âm thầm, dịu nhẹ mà dần gột rửa tôi, để tôi hoàn thiện chính mình qua tấm gương soi chiếu họ. Dưới mái trường Trần Quang Khải thân yêu này, có biết bao người đồng nghiệp mà tôi yêu quý và nể phục, đó là người anh Lê Văn Thức vừa công tác giỏi vừa làm kinh tế giỏi, là bạn Phạm Tín, người trẻ tuổi mẫu mực, nhiệt tình hết sức trong công tác và được học trò mến yêu, là bạn Hson Niê ngày đêm luôn hăng say học hỏi để ngày thêm tiến bộ. Quanh tôi, những người bạn ấy như những chú ong cần cù chăm chỉ ngày đêm làm ra mật ngọt cho đời. Nhưng có lẽ, người để lại cho tôi niềm ngân vang sâu sắc và tình cảm lớn lao nhất chính là người cô, người chị, người đồng nghiệp, cô giáo Lê Thị Thanh Hà, trưởng ban thanh tra nhân dân, tổ viên tổ Ngữ Văn, trường THPT Trần Quang Khải.
Thực tế cho thấy, có những bông hoa hoặc những ngôi sao xa, nếu nói về sự xuất sắc, sự rực rỡ, sự nổi bật, mới thoạt đầu ít ai nhìn thấy ngay được, nhưng nếu ta nhìn lâu hơn một chút, ngắm sâu hơn một chút, ta lại sẽ càng nhìn thấy vẻ đẹp nội tại của nó bởi đơn giản đó chính là những chân giá trị không thể lay chuyển, những phẩm chất không thể khuất lấp đi, trường hợp của cô giáo Lê Thị Thanh Hà đúng là như thế. ở trường chúng tôi, cô chưa phải là giáo viên nhiều thành tích nhất, chưa phải là người xuất sắc nhất…. nhưng cô chính là người nổ lực nhất, tự trọng nhất, danh dự nhất, và thật sự là một tấm gương để cho tôi và đồng nghiệp mình học hỏi.
Trước hết, cô là tấm gương về sự nổ lực cố gắng không mệt mỏi, sự cố gắng đó thể hiện trong tất cả lĩnh vực, đời sống lẫn trong công việc: Khi tôi còn là một tân cử nhân mới ra trường, cô đã là một giáo viên kì cựu, mấy chục năm trong nghề, đó cũng là giai đoạn mà nghành giáo dục nước ta bắt đầu có những sự thay đổi đến chóng mặt, nào là về phương pháp, về nội dung, về sách giáo khoa, đưa công nghệ thông tin vào dạy trong trường học…thực tế, sự thay đổi ấy không quá khó đối với những người trẻ, sớm tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại, nhưng đối với những giáo viên đã lâu năm trong nghề, lại hiếm khi tiếp cận với máy móc này nọ… thì quả thật không dễ, chính ngày đó cũng rất nhiều thầy cô kêu trời. Vậy nhưng, trong 10 năm qua, bản thân tôi công tác cùng trường, cùng tổ với cô Hà, chưa một lần tôi thấy cô “tụt lại” so với các em trẻ khỏe, ngược lại, trong tất cả các cương vị công tác của mình, chuyên môn cũng như kiêm nhiệm, cô luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc vai trò nhiệm vụ được giao. Ít ai biết rằng, cô đã tự mày mò học đánh máy,tự mày mò nghiên cứu tài liệu. ít ai biết rằng cô đã tự mày mò làm quen với internet, nếu yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin cô sẽ học CNTT, yêu cầu phương pháp mới cô sẽ tìm hiểu phương pháp mới, yêu cầu giáo viên phải có SKKN, cô sẽ nghiên cứu để làm SKKN, tôi vẫn còn nhớ mãi cái đêm cô vừa từ ngoài cánh đồng rẫy của mình về, chân ướt chân ráo lại thức thâu đêm để kịp hoàn thành đề tài tâm huyết sáng mai nộp vì lịch báo đột ngột. Chính vì sự kiên trì, nghiêm túc đó, mà trên lĩnh vực nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có được những thành tích thiết thực, được anh em đồng nghiệp kính trọng, học sinh yêu quý. Nhiều năm liền cô được giấy khen của Giám đốc sở, đạt các danh hiệu thi đua cao quý: chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp trường, các giải về sáng kiến kinh nghiệm….
Người ta thường nói sống lâu lên lão làng, đa phần những giáo viên lớn tuổi, có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề sẽ ít nhiều mang trong mình tâm lí thủ cựu, bảo thủ vì tin rằng “đầy mình kinh nghiệm”. Thế nhưng nếu bạn công tác và làm việc cùng cô giáo Lê Thanh Hà, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy cô thật sự là một người rất câu tiến, rất khiêm tốn và luôn học hỏi, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía, kế cả các em ít tuổi hơn mình. Hiếm thấy tiết thao giảng nào của đồng nghiệp mà cô vắng mặt, đặc biệt, cô luôn trao đổi kinh nghiệm, tham khảo ý kiến của anh em về phương pháp dạy trong các tiết dạy của mình…với một câu nói rất chân thành “nhờ em xem giúp”, “nhờ em góp ý”…điều này ngay chính bản thân người trẻ cũng ít ai làm được. Cô như là một chiến sĩ không bao giờ chịu đầu hàng, không bao giờ dừng lại, không chấp nhận thụt lùi so với đồng nghiệp, luôn cố gắng trau dồi để đáp ứng yêu cầu mà thời đại và xã hội đòi hỏi ở người làm giáo dục, trong suốt quảng đời đi dạy của mình, những người trẻ như chúng tôi, kẻ ít người nhiều, đều bị phê bình, nhắc nhở vì tính tắc trách của mình, thế nhưng với cô Hà thì tuyệt nhiên không bao giờ có, có một lần, tôi hỏi “cô ơi, sao cô lớn tuổi rồi, sắp nghỉ ngơi rồi, chi mà cô cứ nổ lực quá sức vậy ạ, cô không thấy mệt sao cô, em thấy cô vất vả quá” và câu trả lời của cô khiến tôi giật mình “mỗi công việc cũng như con người, đều cần có lòng tự trọng em ạ, cô luôn cố gắng hết sức, bởi đó là lòng tự trọng nghề nghiệp”. Ôi, một câu nói giản dị mà sâu sắc biết bao. Khi xã hội đang có nhiều biến động, có những giá trị đang dần phai nhạt theo thời gian, nhiều lí tưởng đang dần bị bào mòn theo năm tháng thì lòng kiên định tự trọng với nghề nghiệp ở trong cô thật vô cùng đáng trân trọng. Tôi chợt hiểu vì sao giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống đời thường, người cô ấy vẫn cặm cụi gõ những phím chữ kiên nhẫn và nghiêm túc trên trang giáo án của mình, dù cô không còn trẻ nữa.
Nghiêm túc, tận tụy, mẫu mực là những điều chúng tôi vẫn luôn nói về cô, nhưng tất cả những điều đó có lẽ vẫn chưa thể nói hết. Đồng nghiệp chúng tôi, còn khâm phục cô ở đức hy sinh vô bờ bến, sự đảm đang quán xuyến gia đình và cả tài năng làm kinh tế hiếm thấy. Ít ai biết được rằng, cô giáo Lê Thị Thanh Hà của chúng tôi có một hoàn cảnh gia đình hết sức éo le, đặc biệt, và gần như những năm tháng đẹp nhất của đời mình, của tuổi trẻ cô đã một mình chèo chống, gánh vác, bảo vệ gia đình đó. Người ta nói phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, người phụ nữ có hạnh phúc hay không, sống tốt hay không cũng là nhờ chồng. Tuổi trẻ, cô đã yêu thương và kết hôn với một người trai ưu tú cùng làng, rồi vợ chồng cô rời xa người thân, cùng nhau vào mảnh đất tây nguyên xa xôi lập nghiệp. Nhưng khi chân chưa đứng vững, cuộc sống còn rất chông chênh thì người chồng yêu thương của cô trải qua một đại nạn, gần như mất hết khả năng lao động….và đôi khi mất luôn cả sự kiểm soát. Vậy là, thay vì dựa vào người đàn ông của đời mình, người phụ nữ nhỏ bé, mang nét đẹp thầm kín miền trung du thượng đức ấy lại trở thành chổ dựa vững chắc, chèo chống cho cả 1 gia đình gồm có một người chồng và 2 cô con gái đang còn nhỏ dại. Năm tháng qua đi, ròng rã gần 30 năm, có lẽ chưa một lần cô tham gia quá đà một bữa tiệc vui, chưa một lần cô mang trên người một bộ đồ lấp lánh, tan ca vội vã về nhà, trút bỏ tà áo dài lượt là để lao vào ruộng đồng, nương rẫy, chăm chồng, nuôi con….ròng rã, thế mà, trong suốt 30 năm đó, chưa bất kì một ai nghe cô ca thán, than vãn, lúc nào gặp cô, cô cũng điềm tĩnh, trầm lắng….một sự chịu đựng nhẫn nại đến dũng cảm, một sự dấn thân lo toan đến phi thường. Và trời quả không phụ lòng người, như Xpac ta cút đã nói, người dũng cảm không bao giờ nghèo khổ, quả thật như vậy, giờ đây, khi ở ngưỡng 50 của cuộc đời, cô đã có thể an yên với người chồng và 2 cô con gái đã lớn khôn, xinh đẹp, ngoan ngoãn, học thức, đang tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Cô đã có thể an yên bên những cánh đồng tít tắp mà một tay cô gây dựng nên. An yên trong sự yêu quý, vun vầy của 2 bên nội ngoại. Tôi tự hỏi, trong hoàn cảnh đó, sống yên ổn đã là khó, thế điều diệu kì nào mà để cho cô có thể vươn lên, vượt qua mọi hoàn cảnh, tạo dựng cho gia đình một nền tảng vững chãi đến thế. Nếu bạn vào mãnh đất Ea Kiết, Ea Đing, bạn sẽ nghe thấy tên cô như một điển hình cho việc làm mô hình kinh tế giỏi. Phải chăng chính sự tháo vát, chăm chỉ cần cù, hay nghị lực phi thường của con người được sinh ra nơi một miền quê vốn phải bới đất lặt sỏi để rồi hình thành nên tính cách? Phải chăng chính tình yêu thương vô bờ bến với chồng con đã tạo nên cho cô đức hy sinh lớn lao để băng mình vượt qua tất cả? Không…không, tôi cho rằng tất cả thế vẫn là chưa đủ. Phải còn là vì danh dự nơi cô. Danh dự của một con người có lòng tự trọng, không cho phép mình gục ngã.
Nếu bạn có một lần gặp cô giáo Hà, bạn sẽ thấy cô bình dị như bao con người khác, và khi bạn biết về cô, bạn lại sẽ ngạc nhiên khi thấy bên trong sự bình dị ấy là một tinh thần thép, thế nhưng bên trong tinh thần thép ấy, lại là một trái tim nhân hậu, bao dung. Còn nhớ lần đầu tôi về trường, cô đã mừng như thế nào khi biết tôi là một đồng hương, và từ đó đến nay, cô luôn giành cho tôi tình cảm quê hương nồng hậu đó. Mà không chỉ riêng tôi, các anh em đồng nghiệp khác đều được cô đối xử ấm áp như vậy, hoàn cảnh của cô éo le, vất vả hơn bất kì ai, cô bận rộn hơn tất cả mọi người, nhưng ai ốm đau, tang ma, cưới hỏi thì cô luôn là người đầu tiên có mặt, ai đơn độc, cô luôn là người đầu tiên ở bên, ai yếu đuối cô luôn là người đầu tiên che chở, an ủi…đã 10 năm qua, tôi luôn thấy cô giản dị mỗi ngày đến lớp trong tà áo dài, dù có người váy này váy nọ, xe này xe kia. Tôi vẫn luôn thấy cô điềm tĩnh chăm chú đọc từng bài kiểm tra, dù có kẻ rảnh rỗi cà phê, cà pháo ngồi bàn ra tán vào bàn chuyện bao đồng của thiên hạ. Tình cảm cô giành cho chúng tôi, vô tư, nồng hậu, ấm áp và công bằng.
Khi tôi viết những dòng này, có thể người cô, người chị ấy đang say mê bên trang giáo án, cũng có thể chị ấy đang miệt mài bên những cánh đồng bạt ngàn cà phê, hồ tiêu mà chị đã tạo ra bằng mồ hôi, công sức. Cũng có thể, chị đang giấu đi nỗi lo toan vất vả của mình để an ủi một trái tim chênh chao, và yếu đuối. Chị là vậy đó, và như một trái tim, một nhân cách đẹp, một đời sống đẹp, ở góc đời nào, tôi cũng thấy chị là người đẹp nhất. Cái đẹp không phải ở hình thức, ở áo quần, mà là ánh sáng tỏa ra bên trong tâm hồn chị. Cám ơn chị, người đi trước đã ngày đêm lặng thầm để lại cho chúng tôi những bài học, những thông điệp không phải bằng ngôn ngữ. Xã hội xô bồ quá, người thầy như một cánh chim, có những cánh chim theo năm tháng đã mệt mỏi rồi, chao xuống rồi, nhưng cũng có những cánh chim vẫn miệt mài bay về phương nam để mùa xuân của chúng ta thêm ấm áp. Cám ơn chị rất nhiều, cô giáo Lê Thị Thanh Hà, với tôi, chị đã sống một đời sống đẹp.
Ea Đing ngày 30/9/2017.
Trần Thị Thu Hoài
Bài dự thi đạt giải Khuyến khích
trong cuộc thi viết về “Tấm gương Nhà giáo Việt Nam”
do Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tổ chức năm 2017
Bài viết có đính kèm một số hình ảnh về cô giáo Lê Thi Thanh Hà.
Hình 1 và hình 2: cô giáo Lê Thị Thanh Hà và một trong những thành tích xuất sắc.
Hình 3: 2 cô con gái của cô Lê Thị thanh Hà đều là những sinh viên xuất sắc của 2 trường: Đại Học Quốc Gia Hà Nội và trường Đại Học sư pham Vinh, hiện nay, cháu lớn đã ra trường và công tác tại trường THPT.
Hình 3: Một trong những thành tích xuất sắc của cô giáo Lê Thị Thanh Hà