NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG
Lượt xem:
Nhan đề: Thầy Lê Chí Khai – Người anh cả của Trường chúng tôi.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Tại sao ta không sống thật sâu”
(Phạm Hữu Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn)
Hơn 2 thập kỉ qua đi, tính từ ngày ra trường, tôi đã gắn bó với nghề trồng người cũng khá lâu. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung ra hình ảnh cô sinh viên non trẻ là tôi ngày ấy mới đầu chập chững vào nghề, vậy mà nay, trải qua biết bao biến đổi thăng trầm, bản thân tôi ngày một trưởng thành hơn, yêu nghề hơn, tôi vẫn luôn cám ơn mối nhân duyên tốt lành đã đưa tôi đến với mái trường THPT Trần Quang Khải thân yêu, nơi tôi có những người thầy, người anh, người bạn, người đồng nghiệp thân thương. Quả thật, để mà viết về đồng đội mình, thì tôi muốn nói về tất cả vì trong lòng tôi mỗi người đều để lại những dâu ấn riêng, những con người thân thương ưu tú ấy có quá nhiều nổi bật. Nhưng có lẽ hôm nay, trong phạm vi bài viết nhỏ này tôi xin được phép viết về người thầy, người anh, người đồng nghiệp và cũng là người Hiệu trưởng của chúng tôi – thầy Lê Chí Khai.
Thầy Lê Chí Khai – Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Khải
Albert Einstein đã từng nói rằng “Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, để lại cho đời những điều tốt đẹp“. Cuộc đời mỗi con người nói là một trăm năm nhưng tính ra cũng không phải là quá dài, làm sao để mà trong khoảng thời gian hữu hạn ấy, mỗi cá nhân có thể sống thật trọn vẹn hay hơn thế nữa là có thể để lại những dấu ấn rực rỡ hoặc đậm sâu trong trái tim người khác lại không phải là một điều dễ dàng, nhưng tôi tin rằng người thầy, người đồng nghiệp yêu quý của chúng tôi đã làm được điều đó. Ở thầy, tôi nhìn thấy một tấm gương mẫu mực từ vai trò là người chồng – người cha – cho đến cương vị là một người thầy, người lãnh đạo. Ở vị trí nào, trong suốt quãng thời gian đằng đẵng, thầy đều chuyên tâm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Thầy Lê Chí Khai – thứ 2 từ phải qua – tặng quà tết Trung thu cho buôn kết nghĩa Buôn Tar, xã EaHđing, huyện CưMgar.
Nói thật khách quan thì trong phạm vi công việc, tôi không có nhiều cơ hội để làm việc cũng như nói chuyện nhiều với thầy, vì thứ nhất, tôi chuyên môn thuộc tổ Văn, thầy thuộc tổ Toán, còn về tuổi nghề thì tôi là hậu bối, thầy là thế hệ đàn anh đi trước, khi tôi đang còn là một cô sinh viên non trẻ chập chững vào nghề thì thầy đã là một giáo viên kì cựu, đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ của trường THPT CưMgar. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy đó là một người thầy truyền cảm hứng về tinh thần cống hiến. Trong buổi đại hội đoàn thanh niên, với giọng nói đậm chất người con Quảng Trị, thầy đã chia sẻ với lớp trẻ chúng tôi rằng “ Là những người trẻ tuổi hãy sống với thật nhiều khát khao hoài bão, không ngại khó, không ngại khổ”. Câu nói ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi, cũng chính câu nói ấy đã tiếp thêm cho cô sinh viên trẻ là tôi hồ hởi biết bao nhiêu, nhen nhóm trong tôi những tháng ngày thanh xuân rộng dài mơ ước, nhiệt huyết tuổi trẻ để rồi đến năm 2008, khi trường THPT Trần Quang Khải mới được xây xong, tôi náo nức xách ba lô lên và đi, cùng các đồng nghiệp khác vào ngôi trường mới, trường của chúng tôi, mái trường THPT Trần Quang Khải thân yêu trên mảnh đất xã Eahding, huyện CưMgar, tỉnh DakLak.
Tất nhiên chúng tôi không đi một mình, lúc này bộ máy lãnh đạo của trường đã dần hoàn thiện và thật vững tâm khi bên cạnh thầy hiệu trưởng Lê Văn Hào, còn có cả thầy Lê Chí Khai, thầy đã làm đúng như lời tâm sự hôm nào trong buổi Đại hội đoàn thanh niên, thầy tạm biệt thị trấn náo nhiệt, tạm biệt ngôi trường THPT CưMgar – nơi lưu dấu thanh xuân đầy thành tựu rực rỡ của thầy để bắt đầu cho mình một hành trình mới, nhiều khó khăn, thử thách hơn. Kể từ đó thầy Lê Chí Khai là Hiệu phó chuyên môn kiêm Bí thư chi bộ trường trung học phổ thông Trần Quang Khải. Và cũng chính từ cái mốc này, tôi và đồng nghiệp có nhiều cơ hội, thời gian làm việc với thầy hơn trên phương diện công việc, và càng tiếp xúc với thầy, chúng tôi càng đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, trước đây tôi vẫn biết thầy rất giỏi chuyên môn nhưng sau đó tôi mới biết những lĩnh vực ngoài chuyên môn thầy cũng rất am hiểu, thậm chí thỉnh thoảng nói chuyện với thầy tôi còn được bổ sung thêm kiến thức thuộc bộ môn của mình. Thật sự tôi rất khâm phục vốn hiểu biết của thầy, bởi đó chính là thành quả của sự ham học, ham đọc, ham tìm hiểu, điều mà những người trẻ tuổi của tôi ít có được.
Thầy Lê Chí Khai – Hiệu trưởng nhà trường cùng các học sinh tham gia Diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường.
Khi viết về phẩm chất của một người thầy, Maria Montessori đã từng nói rằng, “Chỉ yêu thương trẻ nhỏ là không đủ đối với người giáo viên. Người giáo viên đầu tiên phải yêu và thấu hiểu vạn vật, phải chuẩn bị cho bản thân, và thực sự nỗ lực vì điều đó”. Điều ấy có nghĩa rằng trong suốt sự nghiệp của mình, người thầy phải luôn nổ lực để như là một ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho học trò của mình, muốn làm được điều đó thì bản thân người thầy chắc chắn phải là một tấm gương lớn về quá trình tự học, lao động và sáng tạo. Thầy Lê Chí Khai trong suốt những năm tháng gắn bó với bảng đen phấn trắng đã nghiêm túc trọn vẹn với tôn chỉ “ Hạnh phúc là cống hiến” của mình. Thầy không chỉ là một giáo viên giỏi, mà còn là một người truyền cảm hứng, đã có rất nhiều thế hệ học trò tài năng của trường THPT CưMgar được sinh ra từ sự mài giũa rèn luyện của thầy và giờ đây đều đã trở thành những cá nhân thành đạt đóng góp cho xã hội và họ vẫn nhắc về tuổi thanh xuân đẹp đẽ với niềm tự hào là được làm học trò của thầy. Không nói đâu xa, tôi có hai người cháu đều từng được thầy kèm cặp rèn giũa, đến tận bây giờ khi trở thành quân nhân, bác sĩ, mỗi lần về vẫn nhắc đến thầy với tất cả sự kính trọng biết ơn. Không chỉ là một giáo viên giỏi chuyên môn và truyền cảm hứng mà trên cương vị lãnh đạo thầy cũng luôn luôn là tấm gương về sự mẫu mực, nghiêm túc, để chúng tôi noi theo, thầy làm việc không mệt mỏi.
Mười tám năm, trong suốt hành trình gần hai thập kỉ, thầy giáo Lê Chí Khai đã cùng với ban lãnh đạo nhà trường nổ lực phát triển ngôi trường vùng sâu vùng xa này. Tính từ ngày thầy cùng chúng tôi vận chuyển số vật tư ít ỏi gồm bàn ghế, bảng đen phấn trắng, những chiếc máy tính cũ kĩ băng qua con đường đất đỏ bạt ngàn cà phê, cao su đến nay ngôi trường đơn sơ ngày nào đã dần lớn mạnh. Từ một ngôi trường nhỏ, học trò đa phần là các em học sinh thuộc diện khó khăn, đồng bào dân tộc đa phần chiếm sĩ số, thành tích như đếm trên đầu ngón tay… thì giờ đây trường THPT Trần Quang Khải cũng đã ngày ngày được nhắc đến trên bản đồ giáo dục của tỉnh nhà với những thành tích lớn nhỏ. Có được điều đó là nổ lực của cả một tập thể nhưng điều quan trọng nhất là sự chỉ đạo đúng đắn từ Chi bộ, từ Ban giám hiệu nhà trường và rõ ràng nhiệt huyết và sự truyền lửa của thế hệ đi trước rất quan trọng, quả thật, tấm gương của thầy đã thúc giục chúng tôi. Thầy nhiều tuổi hơn, cũng đang làm Bí thư chi bộ của một trường lớn nhưng vẫn lựa chọn vào mảnh đất xa xôi, xa nhà, xa trung tâm, thưa vắng người, nghèo nàn và ít điều kiện để cống hiến. Kể từ ngày đó, người thầy ấy cần mẫn đi về quãng đường gần 20km với nhiều ổ gà, bụi đỏ trên chiếc xe máy cũ, người thầy ấy kiên trì và nhẫn nại cùng chúng tôi từng ngày diu dắt đám học trò bé dại, đơn giản cùng chúng tôi trải qua những bữa ăn trưa để chiều kịp giờ làm. Sự cần mẫn tận tụy của thầy là tấm gương lớn để chúng tôi vượt qua những khó khăn trở ngại riêng của bản thân cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hẳn rằng tât cả giáo viên học sinh của trường THPT Trần Quang Khải không thấy lạ lẫm gì hình ảnh người thầy sáng sáng đúng giờ có mặt ở cổng trường, cũng có thể để chào đón học sinh, và cũng sẵn sàng nhắc nhở những giáo viên đôi khi chậm giờ trễ tiết, thú thật ban đầu chúng tôi chưa quen, nhưng mãi sau này, chính sự cần mẫn đều đặn ấy củ thầy đã giúp chúng tôi điều chỉnh lại bản thân mình, ngày một công tác tốt hơn.
Trong suốt gần hai thập kỉ làm việc cùng thầy, điều mà tôi và các đồng nghiệp của mình cảm thấy ấn tượng nhất đó là sự giản dị và vô cùng gần gũi của thầy. Khi thầy làm hiệu phó kiêm bí thư chi bộ cũng như khi đảm nhiệm trọng trách hiệu trưởng, cũng vẫn là một phong cách ấy, tình cảm ấy, con người ấy. Dường như sự hồn hậu chất phác chân thành của người con miền gió lào cát trắng đã ăn sâu vào máu của người thầy giáo trên bục giảng nên chúng tôi luôn găp nơi thầy sự ấm áp chân thành. Cho dù là với đồng nghiệp hay với phụ huynh, học sinh thầy đều thể hiện sự tôn trọng mà không xa cách. Tôi thỉnh thoảng thấy vài phụ huynh đến làm việc với nhà trường, cho dù bộ quần áo họ mang không được đẹp, cho dù lời họ nói không được hoa mĩ, thậm chí có phụ huynh là người đồng bào còn chưa nói sõi tiếng kinh, nhưng từ phòng truyền thống nhìn ra, tôi vẫn thấy được ánh mắt đó của thầy, ánh mắt của sự để tâm và tôn trọng. Đối với một người nông dân chân lấm tay bùn mà nói, ánh mắt ấy đã làm họ ấm áp rất nhiều, có lẽ cũng chính điều này làm cho tôi thấy thầy đặc biệt, bởi lẽ con người ta không phải khác biệt nhau bởi giày dép hay quần áo mà là khác nhau bởi tư duy và cách hành xử, và cũng chính sự thân thiện ấm áp đó của thầy, đã lan tỏa đến chúng tôi, từ giáo viên đến cán bộ nhân viên của trường đều luôn tạo cho phụ hynh học sinh cảm giác được tôn trọng, được lắng nghe, thấu hiểu. Cá nhân tôi nghĩ rằng, thái độ ấy, tinh thần ấy ở thầy là một điều rất trân quý, bởi lẽ có thể rất lâu sau này, khi các em đã rời xa mái trường này mười năm – hai mươi năm, đôi khi điều làm các em nhớ không phải là những gì thầy cô đã viết trên bảng đen, cũng không hẳn là những điều thầy cô đã cố gắng thuyết giảng, mà có thể chỉ là – đôi khi chỉ là một ánh mắt của thầy cô mình để lại trong tim, ánh sáng ấy không bao giờ tẩy xóa được.
Khi tôi ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến mùa hè mới đây, Mùa hè năm 2024, nhà trường tổ chức cho toàn thể cán bộ giáo viên nhân viên đi du lịch ở Đà Nẵng, chuyến đi này mọi người có thể đem theo các thành viên trong gia đinh và chúng tôi đều đưa trẻ nhỏ theo. Đây là một chuyến đi vô cùng vui và ý nghĩa, và sự hòa đồng gần gũi nơi thầy đã làm cho chúng tôi có cảm giác như tập thể giáo viên là một gia đình lớn. Tôi còn nhớ mãi kỉ niệm thầy cùng chúng tôi đi bộ lên cầu Trần Thị Lý để cùng nhau xem bắn pháo hoa trên sông Hàn, sở dĩ tôi nhớ mãi kỉ niệm này bởi vì lúc ấy cả đoàn đều chọn đi bộ để ngắm cảnh, quảng đường cũng khá xa mà lại không ai biết đường, thì thầy đã luôn đi trước và hỏi đường để cả đoàn không đi lạc, có một lúc thầy dừng lại để hỏi các đồng chí công an và khi đó, toàn bộ các trẻ em trong đoàn đều đứng quanh thầy, lúc ấy tôi có cảm giác thầy gần gũi như một người ông đang dẫn các cháu của mình đi chơi vậy.
Bàn về dấu ấn người thầy, nhà giáo dục Andy Rooney cho rằng: “Khi chúng ta lìa cõi đời này thì chỉ có năm, sáu người nhớ đến chúng ta. Nhưng các thầy, cô giáo thì có cả hàng ngàn người nhớ tới họ trong suốt phần còn lại của cuộc đời”. Với sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ số, thế giới quan của con người có nhiều thay đổi và dẫn đến nhiều giá trị quan cũng có sự xê dịch như một điều tất yếu. Thời gian qua chúng ta vẫn thường nghe được từ đâu đó, những câu chuyện ít vui về giáo dục, cho nên chắc hẳn phát biểu của Andy Rooney không phải là đúng với tất cả mọi người làm nghề cầm phấn. nhưng tôi cũng tin chắc chắn một điều, khi nào dưới mái trường còn có những ngọn hải đăng thắp lối soi đường, còn có những người thầy toàn tâm tận tụy nhiệt huyết cống hiến như thầy Lê Chí Khai, thì câu nói ấy sẽ luôn luôn đúng với mọi thời.
20-11 đang đến dần, ngày của mùa hiến chương rực rỡ, ngày những đứa học trò muôn phương tìm về thầy cô để nói những lời tri ân trân quý. Tôi chưa từng được làm học trò của thầy nhưng may mắn được làm việc cùng thầy, được lĩnh ngộ từ thầy nhiều điều quý giá, vì thế, tôi viết những dòng này để gửi tới người thầy – người đồng chí – người anh cả, cánh chim đầu đàn của chúng tôi lời cám ơn sâu sắc. cám ơn thầy đã sống một đời trọn vẹn với sự nghiệp trồng người.