TUYÊN TRUYỀN NHÂN KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ 28 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22/12/2017
Lượt xem:
BÀI TUYÊN TRUYỀN NHÂN KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22/12/1944 – 22/12/2017, 28 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22/12/1989- 22/12/2017
Người viết: Bùi Đình Tùng
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Ngoài việc bảo vệ tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ không ngừng nâng cao tinh thần yêu Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cách đây đúng 73 năm, trong thời kỳ vận động cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được thành lập. Theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 22/12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Quân đội ta và từ năm 1989, là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Đây chính là ngày làm nên điều đặc biệt cho Quân đội Việt Nam: Ngày truyền thống cũng là Ngày Hội quốc phòng của toàn dân. Điều đó càng chứng tỏ niềm tin yêu của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là sự ghi nhận cho những đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhớ lại thời điểm 73 năm về trước, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng. Khi đó, đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. Vũ khí thời đó chỉ có 34 khẩu súng các loại, nhưng với tinh thần yêu nước sâu đậm, lòng tự tôn dân tộc đã gắn kết 34 con người đó thành một khối đoàn kết, nhất trí cao, là tiền đề cho sự phát triển niềm tin của nhân dân. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần vượt gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, và một đêm liên hoan cùng đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân với tên gọi “đêm du kích”. Với tinh thần đó, những ngày đầu quân và dân ta đã thu được thắng lợi trận Phai Khắt, Nà Ngần. Từ đó, mở ra một tương lai tươi sáng ở phía trước cho Quân và dân ta. Tiếp đà thắng lợi, Quân đội ta như được tiếp thêm sức mạnh, cộng với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, niềm tin yêu của nhân dân; nên khi chưa đầy một tuổi, Quân đội đã cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á như một lẻ tất yếu.
Những thời gian sau đó, Quân đội ta vẫn một niềm tin vào tài thao lược của Bác Hồ, sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, niềm tin yêu vô bờ bến của nhân dân. Quân đội ta tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, sau đó không lâu, Quân đội và nhân dân ta gây nên một tiếng vang lớn, làm chấn động cả địa cầu khi chiến thắng hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất hai miền Nam, Bắc. Ngoài nhiệm vụ cao cả là giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN, Quân đội ta còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,… được diễn ra ở làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị….
Duyệt binh trong Lễ kỷ niệm Ngày thành lập QĐNDVN 22/12
Những hoạt động của ngày hội như vậy nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Suốt 28 năm thực hiện ngày quốc phòng toàn dân, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn.
Một là: thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và bảo vệ hòa bình tổ quốc.
Hai là: tăng cường sức mạnh cho Quân đội ta, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
Ba là: nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tổ quốc cho toàn dân.
Bốn là: hình thành chiến lược bảo vệ tổ quốc trong điều kiện mới.
Năm là: phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ Quốc.
Với phạm vi bài viết này, không đủ để nói được hết tầm vóc cũng như sức mạnh của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 28 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, bản thân tôi – một cựu quân nhân và hiện nay là một thành viên của hội cựu chiến binh Việt Nam muốn gửi đến những người cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Quân đội, lời chúc sức khỏe, lòng biết ơn sâu sắc tới những đóng góp và cả những hy sinh của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc/.